Thứ Sáu, 22 tháng 3, 2024

Vẹt Đạn Mà Đi - Đặng Kim Côn

 Ngày Quân Lực 19/06 - Người Lính VNCH ... Tôi nợ Anh - Hội Quán Phi Dũng

 

Điểm đứng của họ, cách quốc lộ 1 chừng ba mươi cây số. Mấy hôm nay, các đơn vị đồn trú cũng đã chống trả quyết liệt, và đó là niềm hy vọng để đoàn di tản mượn lộ trình này. Nhưng giờ thì không còn liên lạc được với một đơn vị bạn nào.

Mọi người rầm rì nói chuyện nho nhỏ về gần bốn ngày yên ổn kỳ lạ trôi qua, có lẽ là Việt cộng không kịp phát hiện họ, có lẽ là lực lượng chúng đã dồn hết ra đường để chặn xe cộ. Nếu cứ tiếp tục cách đi luồn trong mật khu địch kiểu này, hy vọng tránh bão được từ tâm bão?

 <!>

 

Chợt có tiếng cười nói tí tác từ chân đồi vọng lên. Thiếu tá Hiếu, Quận Trưởng Sơn Hòa, người đã gom hết lại các quân dân cán chính thất tán từ Tây nguyên về, ổn định và thiết lập lại trật tự, hướng dẫn đoàn di tản, cho người xuống quan sát và được báo cáo là có ba Việt Cộng hai nam một nữ, đang từ suối vô tư đi lên với súng mang vai. Vị sĩ quan chỉ huy ra hiệu cho đám thường dân lùi lại phía sau, các tay súng thì được bố trí núp rải rác sau những tảng đá hoặc gốc cây lớn, hướng súng về phía đường mòn.

Tiếng đùa cợt đã gần hơn, rất gần. Chưa ai kịp thấy Việt cộng thì một quân nhân, nằm cạnh Chu, lấy hết sức bình sinh quát lên “Ai đó?” (Trời đất!!!).  Lập tức hàng loạt đạn dữ dằn, xối xả bay rít trên đầu. Nhiều thây người đổ ngay trước mắt tôi, cũng vừa khi tôi kịp lăn một vòng thật gọn xuống gộp đá bên cạnh sâu hơn ba mét. Tôi chưa chết. Khẩu súng colt vẫn còn giữ khư khư trong tay, còn những vật “tùy thân” khác thì không còn thứ nào. May mắn tôi thấy được cái ví giấy tờ đang vướng lưng chừng gộp đá.

 

Tiếng súng vẫn nổ và chung quanh tôi không còn được một bóng người. Tôi khẽ khàng bò lên gộp đá cao chưa đầy một mét nhặt lại chiếc ví rồi cẩn thận leo xuống một cách khó khăn, chả bù mới đó tôi đã rớt xuống nhanh gọn hơn một con gấu say mật ong. Cái địa bàn bị mất hẳn, tôi hoàn toàn mất phương hướng cũng như mất tất cả những người đồng hành. Súng vẫn nổ dày đặc, tôi không phân biệt được tiếng đạn M16 và đạn AK, nghĩa là không biết địch đang múa gậy vườn hoang hay ta có còn ai đáp trả đâu đó không (thật ra thì ba tên Việt cộng cũng chỉ bắn bừa, chúng có kịp thấy ai đâu, mà đoàn quân thì như một đống cát nhão, rời rã, hoảng loạn đến từng giọt máu, nhìn quanh không còn đồng đội, không còn cấp chỉ huy quen thuộc của mình). Nằm nghỉ một chặp, tôi nhắm phỏng chừng phương hướng và rời khỏi gộp đá, cầm khẩu colt 45 rón rén đi được chừng năm chục mét. Thấy lẻ loi, chán nãn, và căng thẳng quá, tôi chui vào một bụi rậm.

Tiếng súng vẫn nổ chung quanh, tôi cảm thấy phía nào cũng nguy hiểm, tôi định ngủ một giấc đến tối, rồi sẽ nhìn trăng sao định hướng tiếp tục cuộc hành trình. Tiếng động cơ máy bay vọng đến, nhưng tôi không xác định được là ở phía nào. Có tiếng động, tôi hồi hộp hướng mũi súng ra ngoài. Tử thần? Thì cứ đến đi, tôi thật không quen với cảnh sống trốn tránh, nặng nề, ú tim thế này. Tôi kịp nhìn thấy hai anh biệt động quân và một người đàn bà. Một trong ba người người họ có xách một cái nón sắt, tôi đưa tay ngoắc, họ bước lại, nón sắt có ít nước, tôi xin họ uống một ngụm Chúng tôi cùng bàn nhau kế hoạch đi tiếp nhưng không ai đồng ý với tôi về thời gian, phương hướng, để rồi họ từ giã ra đi (có lẽ tại tôi chỉ nghĩ đến chờ tối mới an toàn, mà đúng ra nên đi cùng họ để có gì cũng đỡ bối rối, hoang mang, lo lắng một mình).

Hơn 3 giờ chiều, lại có tiếng chân bước, và lần này cũng một anh lính trẻ nữa. Chúng tôi lại bàn kế hoạch tiếp tục hành trình. Một lần nữa, ý kiến tôi lại bị bác. Chắc là mình sai thật rồi. Tiếng súng đã dịu bớt, tiếng động cơ máy bay nghe như gần hơn, rõ hơn nhưng hai chúng tôi cũng không thể khẳng định là ở hướng nào.

Anh lính quyết định lên đường, bất chợt tôi thấy lẻ loi, tôi bật dậy, cất bước theo anh ta. Anh ta đi quá nhanh, càng lúc khoảng cách hai chúng tôi càng xa. Lính trận có khác, vừa khỏe va quen với núi rừng. May sao anh ta dừng lại, leo lên một cây cao quan sát phương hướng (lá rừng dày đặc, nếu tôi chờ xem trăng sao thì cũng chỉ có thể thỉnh thoảng thấy được một vài ngôi sao ngay trên đầu, lúc ấy chỉ còn có nước tôi sẽ đi lòng vòng mãi đến chết). Anh lính leo xuống mừng rỡ reo lên:

-Trung úy, máy bay ở phía này.

Anh ta cắm đầu chạy, tôi phấn chấn chạy theo, nhưng cũng bị tụt lại phía sau xa hơn lần trước. Khi sắp mất dấu anh ta thì tôi lại may mắn lần nữa, vạt rừng thưa trước mặt đủ để tôi còn thấy anh ta thấp thoáng phía trước, đang leo lên một ngọn đồi thấp cây cối um tùm nữa. Sau đó, anh ta đã thật sự mất hút. Khỉ thật! Chả huynh đệ chi binh tí nào cả! Nhưng ít ra lúc này tôi cũng còn biết được là cần chạy về hướng nào. Băng qua hết ngọn đồi, tôi kịp thấy được xa xa mấy chiếc Shinook đang bay lên, trước khi nhớ ra là mình đang muốn đứng tim sau một chặng marathon bất đắc dĩ mà cả đời tôi chưa “đàng hoàng chạy” bao giờ. Hồi còn huấn nhục ở quân trường, chạy ra bãi tập, bò hỏa lực, chạy đoạn đường chiến binh gì tôi cũng ma giáo, ăn gian huynh trưởng, cán bộ, huấn luyện viên, hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc. Còn bây giờ mới là một cuộc chạy đua thật sự, đua với chính mình mà không cho phép được gian lận, bởi vì hình phạt cho sự gian lận là sẽ phải vĩnh viễn nằm lại thao trường. Trời nắng chói chang, nắng và nóng. Nắng nóng, kiệt sức mà vẫn cố chạy, vẫn không thấy tiếc cái đám rừng mát mẻ sau lưng. Tôi đã chạy được khoảng hơn cây số trong vạt rừng chằng chịt những tranh, lùng lác, ba dao sắc lẻm. Khoảng tay trần của tôi bị cắt ngang, cắt dọc, ngọt xớt (quần áo còn bị cứa rách nữa là!). Mồ hôi ướt đẫm người, tôi vẫn cố rướn, vẹt từng “bụi dao lam” tai quái. Và cũng giữa cái đám lùng nhùng mắc dịch ấy, tôi thấy được vị sứ giả của thần may mắn lúc nãy, người lính dẫn đường, đang chạy trước tôi khoảng hơn nửa cây số. Xa một chút, một bãi đất trống lố nhố người.

Tiếng súng vẫn thỉnh thoảng đầy dọa dẫm phía sau lung tôi. Mặc dù chạy lâu thế mà tôi vẫn có cảm giác chúng vẫn chưa xa mấy.

Chắc cũng hơn 4 giờ chiều, trời vẫn gay gắt nắng. Một chiếc Shinook nữa vừa hạ cánh, lấy hết sức, tôi rướn mạnh hơn, chạy nhanh hơn, mặc “bọn dao lam” muốn cắt, muốn cứa bao nhiêu thì bao. Ráng lên! Tất nhiên không phải để kịp chuyến máy bay này, nhưng trước mắt, đó là niềm hy vọng. Ít ra thì tôi cũng không còn bị chới với giữa rừng rậm một mình.

Tôi đã đến bãi đáp, suýt ngất trong tay một người bạn trong nhóm Chi khu Sơn Hoà.

Không biết không quân đã bốc đi bao nhiêu người, số còn lại khoảng hai mươi nhóm, mà nhóm nào thì cũng đến hơn bốn phần năm là thường dân. Tôi vội nhìn quanh, tìm mấy người lính pháo binh của tôi và… không thấy ai cả. Các nhóm đều trật tự, ai ai cũng đồng ý với nhau là may ai nấy nhờ, trực thăng đáp xuống ngay nhóm nào thì chỉ nhóm đó lên đi, các nhóm khác không được chạy qua chạy lại. Có nhiều phi công, vì dân chúng leo lên đầy cả trực thăng, đu bám cả hai càng, đã phải bỏ cả máy bay mà chạy, như hai chiếc phải bị bỏ lại trên sân bay Củng Sơn, tôi không hiểu là vì quá tải hay vì không còn an toàn, (tại sao người ta không dễ dàng thấy trái tim của những người lính Miền Nam, vừa tháo thân vừa phải lo bảo vệ, cứu cấp dân chúng?). Tôi gặp lại nhiều bạn bè, và được họ kéo về một nhóm. Sau khi tu một hơi nước từ cái bi đông trên tay một người bạn “cấp cứu”, tôi nằm lăn quay ra đất, không biết ăn trái cấm trong vườn địa đàng có sướng hơn bụng nước này không.

Ở đây cách nơi đụng độ khi trưa không xa, nếu Việt cộng lại tập kích thêm một đợt nữa thì chắc một đám bia thịt giữa cái bãi đất trống trơn này sẵn sàng chung đủ không thiếu một mạng người. Chắc là hậu cần của chúng còn không mấy đứa ở lại để giữ “nhà”. Mà cũng đáng lo, chỉ cần chúng nổ vài phát súng, hẳn là mọi người chạy tán loạn hết, chưa kể là các phi công sẽ không còn dám lảng vảng, đừng nói chi là hạ cánh!

Nửa giờ sau, một chuyến Shinook nữa rời bãi đáp, không có tôi. Đến một chuyến nữa thì tôi ở trong con số may mắn.

5 giờ 40 chiều ở phi trường Đông Tác, tôi gặp lại một số quen biết trong những người đã đồng hành, nhưng không thấy một người lính pháo binh nào của tôi.

Ai xuống tới đây cũng vội vã biến đi thật nhanh.

Ở sân bay Đông Tác cũng có nhiều người được trực thăng bốc về. Họ là những người đã tản lạc vào núi từ Đường 7 và đường 7b, họ kể nhiều câu chuyện kinh hoàng, nhiều thân nhân của họ đã vĩnh viễn nằm lại trên hai con đường đó cùng với nhiều, rất nhiều thường dân khác. Việt cộng vừa nã đạn cối, vừa bắn xối xả vào đoàn người di tản, hàng trăm xe và những gì chắt chiu được cả đời trên đó bị cháy, bị bỏ lại, bị thồ về mật khu, nhiều đoạn đường như đoạn Thạch Thành, hơn một trăm mét đường, máu thịt thành bùn, người và xe thoát được phải dẫm bừa lên xác người, bùn máu mà chạy dưới lằn đạn truy kích của quân bên kia (có cần thiết phải nổ súng mới lấy được không? Vào cái lúc mạnh ai nấy chạy, lạc quân lạc quan, đơn vị nào cũng không còn mấy súng đạn, và cũng không còn tinh thần để chiến đấu, đoàn xe hàng ngàn chiếc, hơn ba phần tư là xe dân sự, thì họ đánh cái gì đây? Không đánh thì không được tiếng là nhờ đánh mà thắng sao?! Muốn lấy gì cứ chặn lại mà nhặt như nhặt khoai, còn không kịp nữa là!)

Trời đã muốn sụp tối, khi các đợt cứu người trên đường 7 không còn thấy được không quân thực hiện nữa, không còn thấy trực thăng hạ cánh chở người về nữa, không biết những người đã thấp thỏm đợi mong thần may mắn ở cái bãi đáp giữa rừng kia có được bốc hết chưa. Tôi rời sân bay, không nghe ai nói đã có thấy Thiếu Tá Hiếu ở đâu.           

Bên ngoài sân bay, cảnh vật ngột ngạt, thoi thóp như những con cá giếc lờ đờ bơi trong nồi nước đang đặt trên bếp đỏ, nóng dần, nóng dần…

 

Đặng Kim Côn

(Tác giả gởi) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Áo Tết - Nguyễn Ngọc Tư

  Con bé Em cười tủm tỉm khi nghĩ tới cái áo đầm màu hồng mà má nó mới mua cho: -Tết này, mình mà mặc cái áo đó đi chơi, đẹp như tiên cho m...