KỲ VIII.
VIII) CHUYỆN TÌNH CỐT NHỤC SAU THÁNG 4.1975 VÀ BUỔI THĂM NUÔI NHẠT NHÒA NƯỚC MẮT
8.1) Cuộc chiến 1954-1975 để lại nhiều hệ lụy đáng tiếc trong những gia đình có người thân ở cả hai phía. Lẽ ra những ngày sau tháng 4.1975 phải là thời điểm chứa chan hạnh phúc của sự sum họp gia đình sau một thời gian dài đằng đẳng phân ly.
Vậy mà, ở nhiều gia đình, sự mừng vui, chan hòa thì ít, sự bất đồng, thậm chí xung đột, nhiều hơn. Các ông bố, ông anh “cách mạng” thường lên lớp những thằng con, thằng em “ngụy” của mình bằng những bài kinh nhật tụng vẫn được hô ra rả trên các hệ thống loa phường. Người khổ tâm nhất trong những vụ này thường là các bà mẹ già, “vừa vui sum họp, đã sầu chửi nhau”.
<!>
Theo thông lệ lúc đó, các cán bộ có nhiều năm cống hiến, có địa vị cao trong bộ máy chính quyền, có thể bảo lãnh anh em, con cái của họ về để “giáo dục” trong gia đình. Với sự bảo lãnh của họ, con em của họ có thể được xét trả tự do sớm hơn thời hạn quy định.
Song đó không phải là điều đơn giản. Chuyện bảo lãnh thường vấp phải một số trở ngại phổ biến như sau:
– Người cán bộ bên thắng cuộc sợ tiền đồ cách mạng của mình bị ảnh hưởng bất lợi bởi mối quan hệ với con em từng hoạt động cho địch.
– Người cán bộ hứa cho gia đình yên tâm rồi không làm gì cả, cái này người trong Nam gọi là “hứa lèo”!
Thông thường, gia đình người đi cải tạo “bôi trơn” việc bảo lãnh bằng nhiều thứ tài sản trên danh nghĩa “quà cáp” trong nội bộ gia đình: TV, tủ lạnh, xe gắn máy …, nhưng kết quả không phải lúc nào cũng như ý. Chuyện rủi may, thật giả trong bảo lãnh dẫn đến nhiều hệ quả khôn lường.
Người may mắn nhất trong chuyện này có lẽ là anh BXT, một đàn anh trong giới Quốc Gia Hành Chánh, từng nhiều năm giữ chức vụ Phó Thị trưởng một thị xã lớn ở miền Trung, cuối cùng là một viên chức của Phủ Đặc ủy trung ương tình báo. Xét chung, với cách đánh giá của bên thắng cuộc lúc bấy giờ, anh thuộc dạng cải tạo “mút chỉ cà tha”.
Song, trong những ngày ở Long Thành, được biết anh T. có người cậu ruột là Thứ trưởng một bộ quan trọng ở trung ương. Trong một lần lao động gần cổng trại, anh em được chứng kiến cảnh ông cậu anh thân hành đi công xa lên thăm anh. Tất nhiên, ban lãnh đạo trại, người có cấp bậc cao nhất chỉ là Thiếu tá, gặp ông Thứ trưởng, phải khép nép chào.
Một thời gian sau, sau chưa đầy hai năm, anh BXT có quyết định tha! Xe ông Thứ trưởng được phái lên Long Thành đón anh về, cán bộ trại thân tình tiễn chân anh.
Đó là một trường hợp khá hãn hữu, đối nghịch với nhiều bi kịch khác. Anh PVT là bạn đồng môn, đồng khóa Quốc Gia Hành Chánh của mình, lúc ấy đang ở một trại cải tạo thuộc vùng núi Thất Sơn, Châu Đốc. Bữa nọ, trại thông báo cho T rằng có người anh ruột là Thiếu tướng NTB (khi đi tập kết, hầu hết đều đổi tên họ) đến thăm. Nghe đâu ông Thiếu tướng này là Tư lệnh phó một quân khu.
Sau khi nhận được thông báo trên, anh T trả lời dứt khoát là anh không có người anh nào tên như thế cả. Báo hại ông B phải chịu nhân nhượng ông em khó tánh, thân hành vào đến tận nơi ở để thăm ông em. Dù không có dịp nghe anh T. tâm sự, mọi người tin rằng giữa họ đã hay đang có một sự bất đồng nào đó khá sâu sắc.
Trường hợp của bác NVN cũng khá ê chề. Bác là đồng môn trước chúng tôi khoảng 8-9 năm, song vì lúc vào học trường Quốc Gia Hành Chánh, bác đã là công chức nên tuổi tác của bác hơn anh em chúng tôi chừng 20 tuổi. Gọi là bác mà không là anh là vì thế.
Trước tháng 4.1975, bác N. giữ một chức vụ giám đốc tại Phủ Tổng thống. Người anh của bác là một vị tướng lừng danh của Mặt trận, bác tin rằng chuyện bảo lãnh bác về sớm có thể dễ như trở bàn tay. Bác nuôi hi vọng ấy mỗi ngày. Cho đến một hôm, gia đình vào thăm nuôi, người vợ bác chuyển đến bác lời nhắn gửi của ông anh tướng lãnh là “nhắn chú ấy cố học tập tốt để sớm về!”.
Câu nói có giá trị của một sự từ khước bảo lãnh, một cú sấm sét giữa trời quang! Bác N là một người khá cao to, vậy mà chỉ sau 2-3 tháng, sự thất vọng dẫn đến khủng hoảng tinh thần khiến bác sụt mất gần 15 ký thịt! Từ một người hiền lành, ít nói, bác bỗng trở nên cáu gắt, sẵn sàng gây gổ với bất cứ ai.
Song bi kịch lớn nhất mà mình và nhiều bạn đồng môn Quốc Gia Hành Chánh từng chứng kiến, phải kể đến trường hợp của C.
Khóa Quốc Gia Hành Chánh của anh ra trường sau mình hơn 2 năm; đầu năm 1968, toàn bộ anh em vừa tốt nghiệp được gửi đi học khóa 1/68 trường Bộ binh Thủ Đức. Mình cũng gia nhập khóa đó với tư cách người có lệnh gọi nhập ngũ cá nhân. Sự tình cờ xui khiến, C., mình và một người bạn nữa ở chung một tiểu đội, xếp quần áo trong một tủ chung dành cho 3 người.
Cuối khóa quân sự đó, theo quy định chung của Phủ Thủ tướng, mọi cựu sinh viên tốt nghiệp Quốc Gia Hành Chánh đều được đưa về các đơn vị hành chánh địa phương.
Tháng 6.1975, C. cũng đi trình diện Học tập cải tạo và được đưa lên trại Long Thành như hầu hết anh em đồng môn Quốc Gia Hành Chánh đang có mặt ở Sài Gòn sau tháng 4.1975. Ở đó, mỗi người một hoàn cảnh, một tâm trạng, không ai giống ai.
Sau hai đợt đi Bắc, số trại viên còn lại ở Long Thành được chuyển lên trại Xuyên Mộc vào những tháng cuối năm 1979. Một buổi sáng, C. trở vào nhà sau giờ thăm nuôi, anh thảng thốt kể về cái chết của vợ mình. Theo lời anh, chị đã tự tìm đến cái chết do phẫn uất trước sự “hứa lèo” của người bố là một cán bộ thâm niên. Anh còn kể là anh đã trừng mắt, giận dữ nhìn những người thân khi họ “khoe” với anh rằng trong đám tang vợ anh, một số giới chức địa phương đã đến chia buồn và đưa tiễn.
Người vợ vắn số của C. là em gái một nhà văn nổi tiếng, là nhân vật chính trong một truyện ngắn mà nhà văn đã gửi vào đó tình yêu thương đằm thắm. Có điều là trong truyện này, nhà văn đã thay tên và địa vị xã hội trước năm 1975 của người em rể, song với những ai là bạn của C. đều nhận ra anh.
Hiện nay, nhà văn kể trên đang sống tại Mỹ. Những người con của C. cũng đang sống ở Mỹ, song không cùng một nơi với người cậu ruột của họ. C. qua đời cách nay mấy năm, hi vọng anh đã gặp lại người vợ thương yêu ở một cõi giới an lành nào đó, không có kỳ thị, chẳng có hận thù.
8.2) Với những cựu viên chức dân sự tại trại cải tạo Long Thành, trước 1975, cuộc sống của họ gắn liền với đời sống gia đình. Phụ cấp gia đình vợ 1.600đ/ tháng, phụ cấp mỗi đứa con 1.000đ/tháng, không hạn chế số con, cho phép người phụ nữ an phận trong đời sống gia đình, lo chuyện nội trợ và giáo dục con cái.
Bản thân mình cũng vậy, hầu như chưa có bao giờ mình sống xa gia đình đến quá 3 ngày. Nói như thế để thấy rằng việc phải xa gia đình, hoàn toàn không thấy mặt người thân trong thời gian hơn một năm trời là một sự chịu đựng … khủng khiếp. Cũng may là nghịch cảnh diễn ra tuần tự, có lớp lang, từ 30 ngày lên 1 năm, từ 1 năm lên 3 năm, rồi từ 3 năm lên 5 năm, 10 năm, 15 năm …, tâm hồn con người như được rèn luyện dần sự chịu đựng để mỗi ngày một thích nghi với sự khắc nghiệt của cuộc sống hơn.
Dẫu vậy, tin tức về sự thăm nuôi lần đầu tiên sau hơn một năm trời khắc khoải cũng trở thành một quả bom nổ tung và lóe sáng trong đêm hôm tăm tối. Khó có thể diễn tả hết cảm xúc của những giờ phút ấy!
Mình còn nhớ cảm giác xúc động, lâng lâng của buổi sáng đó, chân bước ra cổng trại cơ hồ như bước trên mây. Vừa ra khỏi cổng trại, nhìn về hướng nhà thăm nuôi lố nhố hàng trăm người, nước mắt mình chảy tràn trên đôi má, như một phản xạ không sao kìm giữ được.
Bạn Nguyên My và những bạn từng có dịp thăm nuôi thân nhân mình lần đầu tiên chắc còn nhớ những cảm xúc đó. Hai cô con gái của mình thì khi xa nhau, đứa nhỏ chưa đầy 3 tuổi, chưa biết nhiều, còn đứa lớn, 6 tuổi, từng lăn lóc với mình từ Côn Đảo về đến Bình Dương, đã biết nhắc lại những kỷ niệm đầu đời. Mình tưởng tượng khi gặp nhau, nó sẽ ôm mình và khóc như chưa bao giờ được khóc.
Mình cố bước chậm trên con đường từ cổng trại ra nhà thăm nuôi, cách nhau chừng 30-40 mét, lau vội những giọt nước mắt còn vương, cố chuẩn bị một vẻ mặt bình tĩnh để đón chờ cuộc gặp gỡ đầy xúc động.
Mình ngồi xuống chiếc băng ghế trong căn nhà thăm nuôi chật kín, vang lên đủ thứ âm thanh khóc cười lẫn lộn. Đúng là hình ảnh của câu hát “vui sao nước mắt lại trào”. Tuy nhiên, mình đối mặt với một bất ngờ lớn: cả hai đứa con gái đều không có đứa nào khóc cả! Nhất là đứa lớn theo sát mình từ những ngày sống ở Côn Đảo và chưa bao giờ xa nó quá 2 ngày. Nó liếc mình rồi nhìn vào đám đông, gương mặt không biểu lộ một dấu hiệu buồn vui nào rõ nét. Sao lạ vậy? Chả lẽ chỉ sau hơn một năm xa cách mà chúng đã thay đổi hẳn như thế sao?
30 phút thăm gặp trôi nhanh, giờ chia tay cũng đã đến. Trong nỗi ngạc nhiên và đau buồn, mình tìm thấy chút an ủi khi kịp nhìn thấy trong đôi mắt của hai cô con gái, những tia nhìn chan chứa yêu thương.
Khi vừa về đến nhà ở Sài Gòn, mẹ chúng cật vấn liền: sao tụi con gặp ba mà không đứa nào khóc cả? Đứa lớn trả lời không suy nghĩ: trước khi đi, mẹ dặn con lúc gặp ba không được khóc, khóc người ta sẽ bắt ba học tập lâu hơn, vì thế khi gặp ba, con muốn khóc lắm, mà không dám khóc. Hóa ra, trong lần thăm nuôi đầu tiên đó, nó không dám khóc vì sợ mình ở tù lâu hơn. Ở tuổi lên 7, nó đã biết nuốt nước mắt vào lòng!
Lê Nguyễn
18.4.2024
***
KỲ IX.
CHUYỆN “ĂNG-TEN” TRONG TRẠI CẢI TẠO
Vào giữa thập niên 1960, trong quân lực VNCH, ngành truyền tin thường sử dụng các máy ANPRC 5, ANPRC 10 để liên lạc trong phạm vi đại đội. Chiếc PRC10 hình khối chữ nhật, gọn gàng, khi hành quân, người lính truyền tin mang trên lưng, khi dừng quân liên lạc với tiền phương hay hậu cứ, họ nhẹ nhàng đặt máy xuống, kéo chiếc cần ăng-ten (antenne) mỏng như lá lúa lên cao rồi bắt đầu gọi đi.
Như vậy, trong thiết bị của ngành truyền tin, chiếc cần ăng-ten giữ một vai trò quan trọng, đẩy tín hiệu mạnh lên, giúp kết nối dễ dàng giữa các vị trí khác nhau trên trận địa.
Song trước và sau năm 1975, hai từ ăng-ten còn có một nghĩa khác, không chỉ áp dụng cho thiết bị, mà cho cả con người. Đặc biệt từ tháng 6.1975, khi các trại cải tạo mọc lên như nấm thì hai chữ ăng-ten đã có một chỗ đứng vững vàng trong kho ngôn ngữ đời thường lúc ấy. Nó dùng để chỉ những người tự nguyện hay bị ép buộc phải làm kẻ chỉ điểm cho cán bộ trại giam về mọi vấn đề mà họ cần biết.
Còn nhớ người Pháp có câu nói cho rằng nghề “bán hoa” là cái nghề xưa nhất trái đất (le métier le plus vieux du monde), tương tự như thế, cũng có thể nói nghề ăng-ten là một trong những nghề xưa nhất trong đời sống lao tù. Chả thế mà mới chưa đầy một tháng sau khi nhập trại Long Thành, các học viên đã được phổ biến một thông cáo nêu rõ tên những người được xe của trại chở về Sài Gòn để … chữa răng.
Mọi việc diễn ra trót lọt và không ai nghi ngờ gì về mục đích của chuyến đi chữa răng đó.
Mãi đến hơn một năm sau, một người trong cuộc mới chịu tiết lộ với mấy người bạn thân là chuyến xe đi “chữa răng” đó đã chở các anh về hướng Sài Gòn, thả các anh xuống ở ngã tư Hàng Xanh để các anh về thăm gia đình, và buổi chiều, các anh có mặt ở Hàng Xanh trước 4 giờ để được đưa trở lại trại Long Thành.
Như vậy, ngay trong những ngày đầu tiên của trại Long Thành, đã có một thỏa hiệp ngầm giữa các cán bộ điều hành trại và những người tự nguyện làm ăng-ten. Đại khái họ sẽ làm tai mắt cho cán bộ, ghi nhận những sự kiện đáng lưu ý trong đời sống học viên, đổi lại, họ sẽ được hưởng một số ưu đãi, mà chuyện đi chữa răng là một ví dụ.
Suy nghĩ của những người tự nguyện làm ăng-ten trong môi trường Học tập cải tạo còn đi xa hơn, họ hi vọng ở một ngày về sớm sủa do những đóng góp dưới hình thức “lập công chuộc tội” của họ. Kết quả của những niềm mơ ước đó như thế nào, xin chờ câu trả lời trong bài sau, về những cuộc chuyển trại có kèm theo … bao bố.
Ở trại cải tạo, còn có một thành phần không phải là ăng-ten chuyên nghiệp, song cương vị của họ buộc họ phải có ít nhiều việc làm dành cho giới ăng-ten. Đó là các nhà trưởng, đội trưởng, tổ trưởng. Họ phải thường xuyên tiếp xúc với cán bộ điều hành, và tất nhiên là phải báo cáo toàn bộ những gì liên quan đến đơn vị mà họ phụ trách, ví dụ như: anh em có nhiệt tình lao động không, có anh nào nói xấu cách mạng không, có anh nào dự tính trốn trại không vv & vv…
Về thực chất việc làm của giới tổ trưởng, đội trưởng và nhà trưởng, khó đánh giá một cách chính xác, song cũng không phải là không đánh giá được. Cứ nhìn thái độ, cách hành xử của cán bộ điều hành đối với tập thể hay một số cá nhân là có thể đoán ra sự việc. Người có tâm sẽ tìm cách luồn lách, che chở cho các bạn đồng cảnh ngộ, báo cáo cách nào đó để không bị quy là báo cáo láo, nhưng vẫn không để cho bạn tù bị trù dập. Trái lại, kẻ mưu cầu lợi ích riêng tư thì lại tìm cách mua lòng cán bộ bằng việc vẽ vời chuyện nọ, chuyện kia, ít xít ra nhiều. Đó là chưa kể chuyện họ có thể dùng cương vị của mình để giải quyết những mâu thuẫn cá nhân nữa.
Trường hợp của nhà văn Duyên Anh (Vũ Mộng Long) là một vấn đề đáng suy nghĩ. Khi tôi và hơn 150 bạn tù còn lại ở trại Long Thành được đưa hết lên trại Xuyên Mộc vào những tháng cuối năm 1979 thì Duyên Anh đang là đội trưởng đội rau xanh số 17 kiêm nhà trưởng nhà 2, sát cạnh nhà 1 là nơi chúng tôi vào ở.
Còn nhớ, cứ vào mỗi buổi chiều, khi tiếng kẻng trại vang lên, báo hiệu cho mọi người ra ngồi hết ngoài sân cạnh nhà để cán bộ tới điểm số rồi lùa hết vào buồng, khóa cửa lại, nhà trưởng Duyên Anh là người rất năng nổ, anh chạy ra chạy vào thét lác anh em nhanh chóng tập họp, nhiều người chỉ trích anh về cách hành xử nóng nảy, cốt để lấy lòng cán bộ.
Không sống chung nhà với Duyên Anh, mình chỉ thấy có thế. Song, khi mình vừa đặt chân lên Xuyên Mộc, thì cũng vừa có tin một người trong đội của Duyên Anh là nhà văn Nguyễn Mạnh Côn đã bị biệt giam cách đó mấy ngày. Anh em ở nhà 2 kể lại rằng khi vừa hết hạn cải tạo 3 năm, ông Côn đứng lên đề nghị trại cư xử với ông như một công dân, vì ông đã hết hạn tù. Yêu cầu này được nhiều anh em tù hiện hành (tù bị bắt do chống phá chính quyền sau tháng 4.1975) hoan hô rầm rộ, và thế là ông Côn bị khép tội vào xách động, bị biệt giam, bị tước bỏ cả quyền được thăm nuôi.
Mấy ngày sau, người nhà ông Côn lên thăm nuôi bị đuổi về, điều kiện khắc nghiệt của phòng biệt giam, kèm với sức khỏe sa sút khiến chỉ qua một thời gian ngắn sau khi được trả về phòng, ông Côn qua đời. Và người ta kết nối việc ông Côn bị biệt giam, cái chết của ông, với trách nhiệm đội trưởng, nhà trưởng của Duyên Anh!
Mình cho rằng những gì Duyên Anh đã làm với tư cách đội trưởng, nhà trưởng ở trại Xuyên Mộc, và cái chết của nhà văn Nguyễn Mạnh Côn, đã góp phần không nhỏ vào những gì xảy đến cho anh tại Pháp và Mỹ, sau khi anh được trả tự do và đi ra nước ngoài.
Một câu hỏi được đặt ra là thái độ của anh em bạn tù đối với người làm ăng-ten như thế nào?
Vào những năm chúng tôi còn ở Long Thành (1975-1979), trại đặt ra lệ bình bầu cuối mỗi tháng, theo đó, mỗi đội họp, bầu ra 3 thành phần trại viên:
1) Người lao động xuất sắc
2) Người lao động trung bình
3) Người lao động yếu kém
Thành phần 1 và 3 chỉ lèo tèo vài ba người cho có tụ, thành phần 2 chiếm đại đa số. Bầu vào thành phần xuất sắc khá dễ, anh nào cuốc đất đạt năng suất cao dễ nhận ra, dễ bầu bán. Khó nhất là bầu thành phần 3, dễ gây tranh cãi, dẫn đến oán hận ngấm ngầm. Cách ổn hơn cả để bầu vào thành phần này là mấy anh … ăng-ten! Họ bị nhận diện bởi hầu hết anh em trong đội, không có gì oan sai hết. Và họ cũng nhận chịu mà không oán thán gì.
Chuyện bình bầu không chỉ có danh hiệu suông. Với tiêu chuẩn mỗi người tù 13 ký lương thực/tháng (bo bo, sắn lát hay bắp khô, riêng cơm thì mỗi tuần 1 chén), kẻ được bầu xuất sắc được hưởng 15 kg/tháng, bù vào đó, kẻ yếu kém bị giảm xuống còn 11 kg/tháng.
Ở thành phần tù hình sự và hiện hành, chuyện 15 hay 11 kg lương thực mang đến nhiều hậu quả khôn lường. Họ tranh nhau, dùng mọi thủ đoạn để hạ nhau hòng kiếm thêm chút lương thực mỗi ngày. Nguyên nhân là do đa số họ thuộc thành phần “mồ côi”, không được thăm nuôi, cuộc sống hàng ngày trông cậy vào từng chén sắn lát, bắp ngô.
Thành phần tù chính trị thoải mái hơn, nhân văn hơn, dù gì nát giỏ vẫn còn tre. Đến buổi chia lương thực, người xuất sắc có khẩu phần 15 kg lãnh xong thì mang lại anh 11 kg, sớt chia lại cho cân bằng.
Năm 1979, khi các tù chính trị dân sự (công chức, dân biểu, nghị sĩ, thẩm phán) được đưa hết từ trại Long Thành lên trại Xuyên Mộc, chúng tôi sống chung trại với thành phần tù quân sự cấp úy (thiếu úy – đại úy), những người trình diện HTCT “mang theo tiền và vật dụng đủ dùng trong 10 ngày”. Xét về mặt tuổi tác thì đa số họ trẻ hơn chúng tôi, song họ đã gián tiếp “dạy” chúng tôi về cách đối phó với thành phần ăng-ten trong trại một cách không khoan nhượng, dứt khoát và theo một “quy trình” rõ rệt.
Kế hoạch đối phó với ăng-ten của các bạn tù sĩ quan cấp úy có 3 bước như sau:
– Bước 1 là bước cảnh cáo, khá nhẹ nhàng: ban đêm, khi đèn trong buồng tắt tối om, mọi người ngủ cả, họ lén lấy đôi dép của “đối tượng” bỏ vào hồ nước trong buồng toa-lét ở cuối dãy nhà.
– Nếu bước1 không có hiệu quả, họ tiến hành bước 2 là … trấn nước. Cuối buổi lao động, hàng mấy trăm người chen chúc tắm ở một khúc sông Ray, năm bảy anh em kéo đối tượng ra giữa dòng, ấn đầu xuống cho ngộp nước. Tù đông nghịt, từ trên nổng cao xa mấy mươi mét, cán bộ bảo vệ có nhìn thấy cũng chỉ nghĩ là bạn tù đùa giỡn với nhau thôi.
– Cuối cùng, nếu đối tượng vẫn bền lòng chặt dạ với “sự nghiệp ăng-ten” thì anh em áp dụng biện pháp tối hậu không thơm tho chút nào. Giữa đêm, họ dùng một gáo đựng phân ướt giội lên nóc mùng đối tượng. Sáng ra, chàng mang hết mùng mền, gối ra giặt ở giếng nước trước con mắt rẻ rúng của mọi người.
Nhờ thái độ quyết liệt và dứt khoát đó mà về sau, hầu như không còn phải áp dụng bước 3 nữa và hiện tượng ăng-ten gần như không còn tồn tại trong thành phần các anh em tù từng là sĩ quan cấp úy ở trại Xuyên Mộc.
KỲ X
CÂU CHUYỆN VỀ NHỮNG CHIẾC BAO BỐ Ở TRẠI LONG THÀNH
Sau tháng 4.1975, quân nhân, công chức thuộc diện phải học tập cải tạo đã đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác, trước tiên là sự vỡ tan giấc mộng 30 ngày; rồi từ 1 năm đến quyết định cải tạo 3 năm, và sau 3 năm, đến một thời hạn … không định trước nữa!
Song, vào những tháng cuối năm 1977, có một bất ngờ vượt lên trên mọi bất ngờ khác, làm sụp đổ bao nhiêu suy tính của mọi người, tạo ra một cuộc khủng hoảng tâm lý chưa từng có.
Buổi sáng hôm đó, gần 3.000 trại viên được triệu tập lên hội trường với một lý do không được báo trước. Khi mọi người đã yên vị, một cán bộ dõng dạc tuyên bố ngắn gọn, đại ý là “những ai có tên trong danh sách này sẽ được nhận mỗi người một chiếc bao bố, dồn tất cả vật dụng riêng tư vào để trại gửi theo tàu ra Bắc”.
Nếu lúc đó có một trận địa chấn 7 độ Richter nổ ra thì sự hốt hoảng của mọi người cũng chỉ đến mức ấy.
Xin nhắc lại là trong hệ thống trại giam gọi là “Trung tâm cải huấn” của chính quyền miền Nam trước 1975, ngoài hai nơi có chế độ điều hành riêng là Trại tù binh Phú Quốc và Trung tâm cải huấn Côn Sơn (Côn Đảo), ở Sài Gòn và mỗi tỉnh có một Trung tâm cải huấn riêng để giam giữ những người tại địa phương có án tù dưới 5 năm (trên 5 năm thì ra Côn Đảo). Nhiệm vụ chính của các trung tâm này chỉ là giữ tù và trả tự do cho tù sau khi thời hạn thụ hình ghi trong bản án đã kết thúc, ít có chuyện chuyển tù từ tỉnh này qua tỉnh khác.
Vì những yếu tố trên, chuyện “ra Bắc” là một bất ngờ ngoài sự tưởng tượng của mọi người. Và cũng từ biến động này, người ta mới hiểu được thân phận thật sự của những ai tự nguyện làm ăng-ten cho cán bộ trại. Những kẻ đó đã mơ hồ về việc làm này, tưởng rằng sự tự nguyện “hợp tác” có thể làm thay đổi thân phận của họ. Trên thực tế, việc làm của họ chỉ có tác dụng tạo cho họ sự thuận lợi trong sinh hoạt nội bộ trại; mọi hồ sơ của họ đều nằm tại Cục quản lý trại giam và chính nơi đây mới có thẩm quyền quyết định về thân phận của họ.
Anh B. là một trong những người từng được đi “chữa răng” chỉ sau mươi ngày nhập trại, nằm trong số người bị sốc nặng nhất. Anh nói thẳng là không thể tưởng tượng trong chuyến đi Bắc đầu tiên này lại có tên anh! Song, khi biết cơ sự thì mọi chuyện đã muộn màng. Nhiều người không kìm nổi tiếng khóc của mình. Họ tập trung từng nhóm trên “đại lộ hoàng hôn” là con đường vòng quanh các dãy nhà, nơi anh em tù mỗi buổi chiều đi bách bộ cho giãn gân cốt.
Sự căng thẳng và khủng hoảng trầm trọng đến nỗi, một cán bộ trực trại là Đại úy Ba Tơ đã đi dọc theo đại lộ hoàng hôn, vừa đi vừa hét to một câu trấn an khá lạc điệu: “khóc lóc cái gì, đi xuống Đồng Tháp lao động một thời gian rồi về!”. Nội dung câu nói đó rất khác biệt với hai chữ “đi Bắc” mà cán bộ đọc danh sách đã tuyên bố hồi sáng, song cũng có những người hi vọng đó là sự thực, kết quả của một sự chỉnh sửa.
Số người đi bao bố đầu tiên này mà về sau gọi là “bao bố 1” gồm toàn bộ trại viên khối 2 (đảng phái), khối 3 (tình báo) và khối 4 (sĩ quan cảnh sát từ cấp Thiếu tá) và một phần khối 1 (công chức, dân biểu, nghị sĩ, thẩm phán). Các anh em được đưa về trại 16 NV ở Thủ Đức trong mấy tháng, rồi sau đó mới ra Bắc. Nhạc sĩ Vũ Thành An, Trưởng ban văn nghệ trại nằm trong số người này. Tất nhiên, nhiều nhân vật nổi tiếng khác cũng có tên: các cụ Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Lâm Sanh, luật sư Trần Văn Tuyên, nữ Thiếu tá cảnh sát Th. Biệt đội trưởng biệt đội Thiên nga ….
Như vậy, sau chuyến bao bố 1 này, số người còn ở lại trại Long Thành chỉ thuần có khối 1. Cú sốc ban đầu qua đi, mọi người bình tâm hơn, chờ đợi chuyến bao bố 2 mà ai cũng tin rằng sẽ phải tới. Và nó đã tới hơn nửa năm sau đó, lần này không còn gây ra sự hoảng hốt nữa, những ai có tên chấp nhận nó như một trò chơi may rủi.
Sau chuyến bao bố 2, số tù chính trị dân sự còn ở lại Long Thành không đến 200 người, tự coi mình sẽ là đối tượng của đợt bao bố 3. Tạm thời họ được giao các nhiệm vụ chính: trật tự, cấp dưỡng (bếp), vệ sinh, bên cạnh nhiều tù hình sự và rất đông các em được cha mẹ “gửi cho cách mạng giáo dục” từ sau tháng 4.1975. Các em này được chuyển từ trại Bù Gia Mập (Phước Long) đến vào khoảng năm 1977, sau khi sự tổn thất về nhân mạng lên đến mức báo động.
Giữa năm 1979, sau khi hơn 30 anh em được đưa trước lên Xuyên Mộc để thành lập một trại mới, số hơn 150 người còn lại bàn giao mọi việc cho anh em tù hình sự, tập trung ở một dãy nhà để chờ lệnh. Cuối cùng, vào những tháng cuối năm 1979, mọi người được đưa hết lên trại Xuyên Mộc.
Mình nghĩ, có lẽ chuyến bao bố 3 đã không diễn ra vì vào tháng 2.1979, cuộc chiến biên giới Việt-Trung đã nổ ra ác liệt, trại cải tạo ở các khu vực dọc biên giới phải di tản về Thanh Hóa và nhiều tỉnh đồng bằng miền Bắc, vì thế không còn điều kiện tiếp nhận thêm tù cải tạo ở phía Nam. Sự may rủi trong số phận mỗi con người không biết đâu mà lần.
***
Những chuyến ra Bắc của anh em tù cải tạo miền Nam cho thấy sự căm thù của người dân miền Bắc đối với họ là điều có thật. Các chuyến xe lửa chở họ, mỗi khi ghé lại những ga lớn đều phải đóng cửa kín mít để tránh những viên đá to được ném tới tấp vào. Lúc đầu, mọi người tưởng rằng đó chỉ là sự dàn cảnh cho dư luận trong và ngoài nước thấy được lòng căm thù của người dân đối với “bọn ngụy quân, ngụy quyền ác ôn”, song theo các anh em từng đi trên những chuyến xe lửa ấy, sự căm thù là có thật, những viên đá ném lên tàu là biểu hiện rõ nét của lòng căm thù đó.
Còn nhớ vào năm 1980, lúc chúng tôi đang ở trại Xuyên Mộc (miền Nam), có lần lượm được ở bờ con sông Ray lá thư mà một cán bộ trại khi xuống đó tắm rửa đã để rơi. Thư của một người bố sống ở miền Bắc căn dặn người con còn trẻ của mình đang sống xa gia đình là “hãy hết sức cẩn thận, vì con đang sống cạnh kẻ địch, nói đúng hơn là kẻ thù” (nguyên văn trích từ bức thư)!
Đối với người miền Bắc vào những năm đầu sau tháng 4.1975, sự hiểu biết về những quân nhân, công chức trong bộ máy quân sự, hành chánh miền Nam thể hiện qua những viên đá ném vào đoàn tàu, qua câu chuyện về mấy em nhỏ chăn trâu lén lút chui vào bụi cây rình xem bọn “ngụy” như thế nào và sau đó ù té chạy với tiếng la thét “tụi bay ơi, sao bọn ngụy trông giống mình thế?”.
Hóa ra, với những chú bé ngây thơ đó, bọn ngụy phải mặt xanh nanh vàng, chuyên bắt cóc và uống máu trẻ con thì mới đúng!
Sau tháng 4.1975, năm năm, mười năm qua đi, thời gian cũng làm được đôi điều hữu ích. Nó tạo điều kiện cho nhiều người dân miền Bắc thấy được sự thật về những con người mà họ từng ném đá và thóa mạ như những kẻ tội đồ. Hóa ra những kẻ đó trông cũng hiền lương như họ, đang nhẫn nhục, chịu đựng một kiếp nạn to lớn phủ xuống đời mình. Từ căm thù chuyển dần sang thương cảm, dù con đường có dài, nhưng rồi nhiều người cũng tìm được những cảm xúc đích thực.
Tôi có người bạn thân là Nguyễn Phú Huấn (1941- 2019) từng làm Tiểu đoàn trưởng trong quân đội VNCH trước 1975, sau khi có quyết định tha, trong lúc chờ phương tiện đưa về Nam, anh và các bạn được phép đi vào xóm thôn thăm hỏi đồng bào. Sự tiếp xúc làm vỡ ra nhiều điều bấy lâu còn mơ hồ sương khói, nhiều gia đình lưu luyến chia tay với anh em và họ để lại trong lòng nhau nhiều mỹ cảm.
Trong 5-10 năm đó, sự tiếp xúc dù chưa phải là mật thiết lắm cũng đã mang lại trong lòng người dân miền Bắc sự “nghĩ lại” về những điều họ từng nghe nói đến. Thực tế đã chạm đúng vào sự thiện lương trong sâu thẳm tâm hồn họ, họ nhận ra thực chất những con người mà họ từng căm thù không như những gì họ nghe trước đây, và cũng từ đó, những mầm mống ban sơ của sự hòa giải, hòa hợp đã nhú dậy, chỉ còn chờ sự chăm sóc, tưới tắm để chúng vươn lên và trở thành những rừng cây tỏa hương sắc của tình dân tộc, nghĩa đồng bào.
Tiếc rằng những mầm mống tốt đẹp như thế sớm thui chột vì thiếu chất xúc tác là những chính sách phù hợp với lòng người.
Tháng tư này, tôi vẫn cảm thấy buồn khi nghĩ rằng dân tộc mình là một trong những dân tộc bất hạnh nhất trên toàn cầu. Tham nhũng, lãng phí, bất công, và sự nghèo khổ, cơ cực của hàng triệu đồng bào vẫn luôn là nỗi đau trĩu nặng trong tâm hồn của mỗi chúng ta!
HẾT
Lê Nguyễn
24.4.2024
Lê Nguyễn
21.4.2024
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét